
Mặc dù các sản phẩm bán lẻ tương đối dễ hiểu, phân tích các công ty bán lẻ lại là một câu chuyện khác vì tăng trưởng lợi nhuận, yếu tố chu kỳ của mỗi công ty phụ thuộc vào loại mặt hàng mà họ kinh doanh. Chính vì vậy ngành bán lẻ đối với một nhà phân tích cổ phiếu mà nói rất đa dạng. Tuy nhiên, dựa trên mặt hàng kinh doanh, nhìn chung có thể chia ngành bán lẻ tại Việt Nam thành 5 lĩnh vực chính:

Quy mô ngành bán lẻ Việt Nam cũng rất lớn. Theo tổng cục thống kê quy mô ngành bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 3.9 triệu tỷ đồng hay khoảng 172,8 tỷ USD. Thế nhưng, doanh số các hãng bán lẻ niêm yết trên sàn trong năm 2020 chỉ chiếm chưa đầy 5% toàn thị trường cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
Doanh số một số nhà bán lẻ được niêm yết 2020
MWG: 108.546 tỷ đồng
PNJ: 17.511 tỷ đồng
FRT: 14.661 tỷ đồng
DGW: 12.536 tỷ đồng
Đáng nói hơn tăng trưởng bán lẻ tại Việt Nam vẫn ở mức hai con số. Chỉ có năm 2020, tăng trưởng mới chậm lại do ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng số liệu sau đại dịch có thể bùng nổ trở lại khi nhu cầu tiêu dùng bị kiềm nén lâu.
2016: 10.2%
2017: 10.9%
2018: 12.4%
2019: 12.7%
2020: 6.8%
Với dân số trên 100 triệu dân, thu nhập ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng không ngừng tăng lên, VIệt Nam được xem là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải nhà bán lẻ nào cũng thành công ở Việt Nam dù đó là những tên tuổi nổi tiếng thế giới. (https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-ban-le-su-dao-thai-khac-nghiet-post212272.html)
Lý do chính chính là việc thất bại trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng địa phương.
Chính vì vậy để phân tích một nhà bán lẻ, nhà đầu tư cần chú ý đến yếu tố nhanh nhạy của ban lãnh đạo trong việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, độ phủ cửa hàng, sức mạnh với bạn hàng, quản lý hàng tồn kho và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.
Chúng tôi cho rằng có 9 bước đơn giản mà nhà đầu tư có thể thực hiện để bắt tay vào phân tích một nhà bán lẻ.
1. Đến thăm các cửa hàng
Một nhà đầu tư có thể học được nhiều điều chỉ bằng cách quan sát các lối đi của một cửa hàng bán lẻ. Cách bố trí, tình trạng sẵn có và hình thức của hàng hóa cũng như giá có thể cung cấp những thông tin mà bạn không thể thu thập được từ bảng cân đối kế toán. Theo quy luật, các nhà đầu tư nên ưu tiên nhìn vào các cửa hàng đủ ánh sáng và hàng hóa được trưng bày gọn gàng, hợp thời, và hiếm khi giảm giá.
Một nhà đầu tư hiểu biết cũng sẽ lưu ý đến lưu lượng khách hàng. Cửa hàng này có đông khách không? Có dòng người đứng chờ ở quầy tính tiền không? Người mua sắm đang mua với số lượng lớn các mặt hàng giá cao hay lượn lờ quanh các mặt hàng giảm giá? Một nhà đầu tư nên suy ngẫm về những câu hỏi này để giúp họ xác định tình trạng chung của công ty.
Nếu công ty có sự hiện diện trên kênh trực tuyến thì hãy làm tương tự với trang web của công ty. Dạo quanh trên giao diện website. Hãy chú ý đến sự hấp dẫn của bố cục trang web, giá cả, sự dễ dàng của quá trình thanh toán và chất lượng dịch vụ khách hàng. Đồng thời tìm các đánh giá của bên thứ ba (các diễn đàn, hội nhóm) trên mạng.
2. Phân tích các hoạt động khuyến mại
Công ty có đang chạy các chương trình khuyến mãi để tăng lượng người ghé thăm hoặc tăng thu nhập không? Liệu công ty có đang cố gắng lấy từng đồng cuối cùng từ người tiêu dùng trong lúc tuyệt vọng vì không thể bán được hàng không? Những câu hỏi này vô cùng quan trọng để xem xét. Các chương trình giảm giá sâu trước khi kết thúc mùa bán hàng ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận.
Ghé thăm cửa hàng và xem xét các thông báo hàng tuần hoặc các quảng cáo trực tuyến có thể cho nhà đầu tư biết liệu công ty có đang cầu xin người mua đến cửa hàng hay không, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy công ty đang hướng đến một mùa kết quả thu nhập kém.
3. Kiểm tra xu hướng lãi gộp
Các nhà đầu tư nên tìm kiếm tỷ suất tăng trưởng lợi nhuận gộp qua từng quý và hàng năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên lưu ý các hiệu ứng thời vụ. Hầu hết các nhà bán lẻ đều ghi nhận doanh thu tăng vọt trong quý 4 so với quý 3 do đây là giai đoạn nghỉ lễ. Xu hướng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ cung cấp cho nhà đầu tư ý tưởng tốt hơn về thu nhập kỳ hiện tại
Các nhà đầu tư nên hết sức cảnh giác với các công ty ghi nhận sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận gộp (qua từng quý hoặc hàng năm). Những công ty đó có thể đang trải qua sự sụt giảm về doanh thu hoặc lưu lượng khách hàng, tăng chi phí hàng hóa, và/hoặc phải hạ giá thành sản phẩm mạnh để đẩy chúng đi, tất cả những trường hợp trên đều có thể gây bất lợi cho tăng trưởng thu nhập.
4. Tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng cũ (Same-Store Sales)
Doanh thu trên mỗi cửa hàng cũ (Same-Store Sales): doanh thu của cửa hàng đã mở trên 12 tháng so với năm ngoái.
Số liệu này có thể cho các nhà đầu tư biết bao nhiêu phần trăm doanh thu đến từ việc mở cửa hàng mới và bao nhiêu doanh thu tăng trưởng từ các cửa hàng đã mở trên 12 tháng.
Nếu SSS tăng mạnh là dấu hiệu doanh nghiệp nên mở thêm nhiều cửa hàng trong khu vực vì có nhiều nhu cầu. Nếu SSS giảm hoặc về 0% là dấu hiệu khu vực đó đã bão hòa hoặc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hoặc thị hiếu khách hàng đã thay đổi.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng đã hoạt động trên 12 tháng có thể dễ dàng tìm thấy trên website của Thế Giới Di Động (MWG). Đối với những nhà bán lẻ chưa công bố thông tin này. Nhà đầu tư sẽ phải tìm kiếm thông qua báo cáo của các công ty chứng khoán. Hoặc sẽ phải email, gọi điện thoại đến phòng quan hệ cổ đông của công ty đó. Chúng ta hãy hy vọng rằng trong tương lai tất cả các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nỗ lực công bố nhiều thông tin hữu ích đến cổ đông giống như Thế Giới Di Động.
Nói tóm lại, tăng trưởng doanh thu phải đi kèm với tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ, nếu không công ty sẽ rơi vào tình trạng tăng nóng, không kiểm soát được dòng tiền và rơi vào cảnh mượn thêm nợ vay để duy trì hoạt động.
5. Kiểm tra xu hướng hàng tồn kho và các khoản phải thu
Các nhà đầu tư nên xem xét xu hướng hàng tồn kho và các khoản phải thu qua các quý và các năm. Nếu mọi chuyện đều ổn, hai khoản này sẽ tăng cùng tốc độ với doanh thu. Tuy nhiên, nếu hàng tồn kho tăng nhanh hơn doanh thu, điều đó có thể cho thấy công ty không thể bán một số hàng hóa nhất định. Thật không may, khi điều này xảy ra, các công ty chỉ còn lại hai lựa chọn: hoặc bán sản phẩm ở mức giá thực sự thấp và hy sinh lợi nhuận, hoặc họ xóa sổ hoàn toàn hàng hóa (bằng cách ghi nhận giá trị bằng 0 và đưa vào chi phí làm giảm thu nhập chịu thuế). Tùy chọn thứ hai có thể tác động xấu đến thu nhập.
Nếu các khoản phải thu tăng nhanh hơn doanh thu, điều này có thể cho thấy công ty không được thanh toán kịp thời và có thể dẫn đến giảm tốc độ bán hàng trong tương lai. Tóm lại, các thay đổi trong hàng tồn kho và các khoản phải thu cần được theo dõi chặt chẽ, vì chúng có thể báo hiệu những biến động trong tương lai về doanh thu và thu nhập.
6. Doanh số trên mỗi mét vuông
Doanh số trên mỗi mét vuông cho thấy ban lãnh đạo công ty đang sử dụng tài nguyên, không gian lưu trữ có hiệu quả hay không. Chỉ số này càng cao thì càng tốt cho công ty.
Các nhà đầu tư có thể so sánh chỉ số này giữa các nhà bán lẻ cùng một loại mặt hàng để biết được doanh nghiệp nào đang tận dụng mặt bằng và kinh doanh hiệu quả hơn.
Số liệu này có thể được công bố trong các cuộc họp báo giữa doanh nghiệp và báo chí hoặc nhà phân tích. Các nhà đầu tư cũng có thể liên hệ với phòng quản lý cổ đông để hỏi về chỉ số này.
7. Tính toán và so sánh tỷ lệ P/E với tỷ lệ tăng trưởng thu nhập kỳ vọng
Nhiều nhà đầu tư bị thu hút bởi cổ phiếu bán lẻ: Họ đại diện cho những cái tên quen thuộc mà ai cũng nhận ra và những câu chuyện thành công ai cũng biết. Ai mà không thích mua cổ phiếu Thế Giới Di Động hay PNJ trong những ngày đầu tiên mới niêm yết. Than ôi, dù tồn tại những câu chuyện thành công, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sống sót khi đối mặt với những khắc nghiệt của ngành bán lẻ. Và dù mô hình bán lẻ có thành công cỡ nào, các nhà đầu tư cũng chỉ có thể có lợi nhuận nếu mua được với mức giá phù hợp.
Mặc dù có nhiều cách để định giá cổ phiếu, nhiều nhà phân tích hay sử dụng chỉ số P/E trong 12 tháng. Tuy nhiên, mặt hạn chế của chỉ số này là không thể theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của ngành bán lẻ. Một doanh nghiệp bán lẻ có thể bị thất thế nhanh chóng chỉ sau 1 năm. Việc đánh giá doanh nghiệp dựa trên kết quả của năm ngoái có thể không chính xác. Chưa kể lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị bóp méo hoặc thổi phồng do yếu tố mùa vụ, một mùa lễ lạc thành công chẳng hạn.
Chính vì những hạn chế của tỷ lệ P/E, khi các nhà phân tích đánh giá các nhà bán lẻ, họ thường so sánh P/E với tỷ lệ tăng trưởng thu nhập dự kiến của công ty (PEG). Ví dụ một công ty được giao dịch ở mức P/E 20 và có tốc độ tăng trưởng 20% thì PEG của công ty này sẽ bằng 1. Trong khi một công ty khác có P/E bằng 10 nhưng tỷ lệ tăng trưởng chỉ bằng 5% thì PEG sẽ bằng 2. Công ty có PEG thấp hơn sẽ được xem là rẻ hơn và ngược lại.
Dù vậy muốn xác định chỉ số tăng trưởng của một doanh nghiệp bán lẻ không hề là điều dễ dàng. Chúng ta sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng của ngành, thị phần doanh nghiệp, khả năng nắm bắt thị hiếu khách hàng của doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh để tự đưa ra một mức độ tăng trưởng đáng tin cậy để đánh giá doanh nghiệp đang “đắt” hay “rẻ”
8. Dòng tiền tự do của doanh nghiệp
FCFF – dòng tiền tự do sẵn có của doanh nghiệp để thanh toán cho cổ đông và chủ nợ cũng là một trong các yếu tố cần xem xét khi phân tích cổ phiếu bán lẻ.
Việc mở rộng là thiết yếu nếu như doanh nghiệp muốn tăng trưởng. Nhưng muốn mở thêm cửa hàng thì doanh nghiệp phải tạo ra dòng tiền dương nếu không việc mở rộng chỉ giống như việc ném tiền của cổ đông qua cửa sổ và càng đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản vì không có tiền trả nợ.
Dòng tiền tự do cho doanh nghiệp được tính bằng công thức sau:
FCFF= EBIT (1-tax rate) + Khấu Hao – Capex – Thay đổi vốn điều lệ
9. Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC)
Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư trên mỗi cửa hàng được xem là một chỉ tiêu nhanh để phân tích các chuỗi bán lẻ có đang mở rộng một cách hiệu quả hay không.
Ví dụ: một cửa hàng bán lẻ có vốn đầu tư xây dựng là 2 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm là 1 tỷ thì ROIC của cửa hàng này 50%. Như vậy nếu hoạt động được 2 năm thì cửa hàng xem như hoàn vốn xây dựng. Nếu ROIC bằng 30% thì phải hơn 3 năm, cửa hàng mới hoàn vốn. Thông thường một nhà bán lẻ thành công thường kỳ vọng lấy lại vốn kể từ năm thứ hai hoặc ba. Nếu không có lẽ họ đang gặp vấn đề lớn trong việc mở rộng.
Kết luận
Để phân tích cổ phiếu bán lẻ, các nhà đầu tư cần phải biết các số liệu phổ biến nhất thường được sử dụng, cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô của mỗi công ty có thể tác động đến giá cổ phiếu cơ bản. Xem xét nhiều chỉ số khác nhau có thể giúp các nhà đầu tư cảm nhận rõ hơn về cơ hội đầu tư tiềm năng mà một cổ phiếu bán lẻ có thể mang lại.