Công thức tính EBITDA (Có ví dụ)

Công thức tính thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình (Earnings Before Interest, Taxes, Depriciation, and Amortization) là một trong những chỉ số quan trọng về hoạt động tài chính của một doanh nghiệp và được sử dụng để xác định tiềm năng thu nhập của doanh nghiệp đó. Với EBITDA, các yếu tố như tài trợ bằng nợ, cũng như chi phí khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình được loại bỏ khi tính toán khả năng sinh lời.

CÁC NỘI DUNG CHÍNH:

  • Có hai cách để tính EBITDA: cách thứ nhất sử dụng thu nhập từ hoạt động kinh doanh làm điểm bắt đầu, trong khi cách thứ hai sử dụng thu nhập ròng làm điểm xuất phát.
  • Hai số liệu có thể mang lại kết quả khác nhau tùy thuộc vào những gì được bao gồm trong thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
  • EBITDA có thể được sử dụng để phân tích và so sánh khả năng sinh lời giữa các doanh nghiệp và các ngành vì nó loại bỏ ảnh hưởng của các quyết định về tài chính và kế toán.
  • Tuy nhiên, khấu hao không được tính vào EBITDA (vì nó được cộng lại cho mục đích tính toán) và có thể dẫn đến sự sai lệch đối với các doanh nghiệp có số lượng tài sản cố định đáng kể.
  • Lưu ý rằng cách tính EBITDA không được quy định chính thức, do nó có thể cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh các số liệu nhất định để làm đẹp báo cáo tài chính.

Hai công thức EBITDA

Có hai công thức EBITDA: công thức đầu tiên sử dụng thu nhập từ hoạt động kinh doanh làm điểm bắt đầu, trong khi cách thứ hai sử dụng thu nhập ròng làm điểm xuất phát.

EBITDA đã trở thành một con số then chốt được các nhà phân tích sử dụng trong những năm 1980 với sự gia tăng của các khoản mua lại dùng đòn bẩy. Các doanh nghiệp gặp khó khăn không có lợi nhuận, gây  khó khăn trong việc phân tích. EBITDA được tạo ra để giúp phân tích liệu các doanh nghiệp này có thể thanh toán lại phần lãi cho các khoản nợ đã được sử dụng để tài trợ cho các thỏa thuận hay không. Từ đó, các nhà phân tích đã tiếp tục sử dụng EBITDA trong nỗ lực để xác định một doanh nghiệp đang thực sự hoạt động như thế nào.

Sử dụng thu nhập hoạt động

Cả hai công thức đều có lợi ích và hạn chế của chúng. Công thức đầu tiên là:

EBITDA = Thu nhập từ hoạt động kinh doanh + Khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh là lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi trừ đi chi phí hoạt động hoặc chi phí vận hành kinh doanh hàng ngày. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh giúp các nhà đầu tư tách biệt lãi vay và thuế khỏi thu nhập từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh cho biết số tiền một doanh nghiệp kiếm được từ hoạt động của họ.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh thường được tính bằng doanh thu trừ đi chi phí hoạt động, chẳng hạn như quỹ tiền lương và giá vốn bán hàng (Cost Of Goods Sold). Thu nhập từ hoạt động kinh doanh được tính trước khi tính lãi và thuế, do đó, chỉ cần cộng khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình để tính EBITDA.

Mẹo: Chi phí khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình thường được gộp chung vào chi phí hoạt động trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Do đó, số liệu khấu hao thường được tính theo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Sử dụng thu nhập ròng

Công thức thứ hai để tính EBITDA là:

EBITDA = Thu nhập ròng + Thuế + Chi phí lãi vay + Khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình

Không giống như công thức đầu tiên sử dụng thu nhập từ hoạt động kinh doanh, công thức thứ hai bắt đầu với thu nhập ròng và cộng lại thuế và chi phí lãi vay để tính vào thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Giống như thu nhập từ hoạt động kinh doanh ở công thức trên, các số liệu thu nhập ròng, chi phí thuế và chi phí lãi vay có thể được tìm thấy trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Lưu ý: Hai phép tính EBITDA có thể mang lại kết quả khác nhau vì thu nhập ròng bao gồm các mục hàng có thể không được bao gồm trong thu nhập từ hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh hoặc chi phí một lần (ví dụ: phí tái cấu trúc).

Ví dụ về EBITDA

Dưới đây là báo cáo thu nhập của Walmart (WMT) tại ngày 31 tháng 1 năm 2021.

Lưu ý rằng khấu hao thường được lấy từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ, xem tại đây:

Đây là EBITDA của Walmart sử dụng thu nhập từ hoạt động kinh doanh:

Walmart EBITDA Sử dụng Thu nhập từ Hoạt động kinh doanh

 Thu nhập từ hoạt động kinh doanh 22.55 tỷ đô
 + Khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình 11.15 tỷ đô
=  EBITDA 33.70 tỷ đô

EBITDA cũng có thể được tính bằng cách lấy thu nhập ròng và cộng lại lãi suất, thuế, khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình. EBITDA của Walmart được tính toán từ dữ liệu năm tài chính 2021 ở trên bằng cách sử dụng công thức thu nhập ròng là:

Walmart EBITDA Sử dụng Thu nhập ròng

Thu nhập ròng 13.71 tỷ đô
+ Khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình 11.15 tỷ đô
+ Chi phí lãi ròng   2.19 tỷ đô
+ Thuế thu nhập 6.86 tỷ đô
= EBITDA  33.91 tỷ đô

Lưu ý rằng đôi khi các công thức EBITDA có thể mang lại các kết quả khác nhau tùy thuộc vào việc tính toán sử dụng công thức thu nhập ròng hay thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Sự khác biệt trong con số EBITDA ở trên của Walmart là 210 triệu đô lợi nhuận khác. 210 triệu đô này được phản ánh trong thu nhập ròng, nhưng không phải thu nhập từ hoạt động kinh doanh, là lý do mà EBITDA sử dụng thu nhập ròng cao hơn.

Tóm lại

EBITDA có thể được sử dụng để phân tích và so sánh khả năng sinh lời giữa các doanh nghiệp và các ngành vì nó loại bỏ ảnh hưởng của các quyết định về tài chính và kế toán. Các nhà đầu tư và các nhà phân tích có thể muốn sử dụng nhiều thước đo lợi nhuận khi phân tích tình hình tài chính của một doanh nghiệp vì EBITDA còn có một số hạn chế.

Như đã nêu, khấu hao không được tính vào EBITDA (vì nó được cộng lại cho mục đích tính toán) và có thể dẫn đến sự sai lệch đối với các doanh nghiệp có số lượng tài sản cố định đáng kể. Các doanh nghiệp có số lượng tài sản cố định lớn và chi phí khấu hao cao dường như có EBITDA cao hơn so với một doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh hầu như không có tài sản cố định (tất cả giá trị còn lại đều như nhau).

Ví dụ, các doanh nghiệp dầu mỏ có một lượng lớn tài sản cố định hoặc bất động sản, nhà máy và máy móc thiết bị. Do đó, chi phí khấu hao sẽ lớn; và với việc loại bỏ chi phí khấu hao, thu nhập của doanh nghiệp sẽ được thổi phồng khi sử dụng EBITDA.

Hơn nữa, việc cộng lại khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình, thuế và lãi thực sự có thể khiến một số doanh nghiệp có lãi (nếu không sẽ không có lãi). EBITDA được các doanh nghiệp công nghệ sử dụng trong những năm 2000, đã giúp nhiều doanh nghiệp dotcom (các công ty sử dụng internet là nền tảng chính trong hoạt động kinh doanh) có ​​lãi trong khi thực tế là không.

Câu hỏi thường gặp về Công thức EBITDA

Làm thế nào để tính EBITDA?

EBITDA có thể được tính theo một trong hai cách — cách thứ nhất: cộng thu nhập từ hoạt động kinh doanh và khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình với nhau. Cách thứ hai: cộng thuế, chi phí lãi vay và khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình vào thu nhập ròng.

Tại sao EBITDA lại quan trọng như vậy?

EBITDA được các nhà phân tích và nhà đầu tư sử dụng để so sánh lợi nhuận của các doanh nghiệp bằng cách loại bỏ ảnh hưởng của các quyết định về tài chính và kế toán. Nó được coi là cấu trúc vốn trung lập và sẽ không thưởng (hoặc phạt) một doanh nghiệp về cách doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình (vốn chủ sở hữu so với nợ).

EBITDA tốt là gì?

EBITDA “tốt” phụ thuộc vào doanh nghiệp và ngành. Chỉ riêng EBITDA không cho biết mức lợi nhuận của một doanh nghiệp trừ khi so sánh EBITDA của doanh nghiệp đó trong các thời kỳ khác nhau. Biên EBITDA hoặc chỉ số định giá EBITDA (chẳng hạn như EV/EBITDA) hữu ích hơn nhiều khi so sánh các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một lần nữa, một chỉ số biên hoặc định giá EBITDA “tốt” sẽ phụ thuộc vào ngành doanh nghiệp hoạt động và cách so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.

EBITDA có ý nghĩa gì trong kinh doanh?

EBITDA là viết tắt của thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình. Đó là một thước đo lợi nhuận phổ biến cho phép so sánh các doanh nghiệp có điểm tương quan với nhau. Nó đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp dựa trên việc tạo ra khả năng không có cấu trúc vốn, thuế và phí khấu hao tài sản hữu hình hoặc khấu hao tài sản vô hình không tiền mặt.

Điểm mấu chốt

Cách tính EBITDA không được quy định chính thức, cho phép các doanh nghiệp xử lý con số này để làm cho doanh nghiệp của họ trông có lãi hơn. Một doanh nghiệp vô đạo đức có thể sử dụng một phương pháp tính trong một năm và đổi cách tính vào năm sau nếu công thức còn lại làm cho doanh nghiệp có vẻ có lợi nhuận hơn.

Nếu phương pháp tính toán không đổi từ năm này sang năm khác, EBITDA có thể là một số liệu rất hữu ích để so sánh hiệu suất trong quá khứ. Trong khi đó, EBITDA cũng là một công cụ rất phổ biến để phân tích các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành, cho dù dùng để đánh giá lợi nhuận hay định giá. Một thước đo định giá rất phổ biến: bội số doanh nghiệp (EV/EBITDA), sử dụng EBITDA để giúp xác định xem doanh nghiệp đang được định giá cao hay thấp.

 

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG